Mở rộng điều tra vụ án xảy ra tại Bộ Ngoại giao, Hà Nội và các tỉnh, thành, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an khởi tố bị can Nguyễn Thanh Hải tội "Nhận hối lộ".

Ông Lê Thanh Hải bị tước hết tất cả các chức vụ trong Đảng

Hôm nay 16/5, cựu Bí thư Thành ủy TP HCM Lê Thanh Hải đã bị Ban Chấp hành Trung ương Đảng cách tất cả các chức vụ từng nắm giữ.

Thông tin được công bố qua thông cáo của Văn phòng Trung ương Đảng tại Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13.

Theo đó, ông Lê Thanh Hải đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương, quy chế làm việc.

Ông bị quy là thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm tại Đảng bộ, chính quyền TP HCM, gây hậu quả rất nghiêm trọng, nguy cơ thiệt hại, thất thoát, lãng phí rất lớn tiền, tài sản của Nhà nước; để xảy ra nhiều vụ án hình sự, trong đó có vụ án rất nghiêm trọng, nhiều cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật, bị kỷ luật, xử lý hình sự, gây dư luận xấu, bức xúc, ảnh hưởng rất xấu đến uy tín của tổ chức đảng và chính quyền thành phố.

Trước đó, theo Ủy ban Kiểm tra Trung ương, sai phạm của ông Hải được xác định là có liên quan tới các vụ án tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC).

Những chức vụ ông Hải bị tước bỏ bao gồm:

Về chức vụ Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2010 – 2015, ông Hải đã bị cách chức từ năm 2020 do những sai phạm liên quan tới dự án khu Đô Thị Mới Thủ Thiêm.

Trước đó, theo quy trình kỷ luật đảng viên cấp cao, trường hợp của ông Lê Thanh Hải đã được Ủy ban Kiểm tra Trung ương báo cáo và đề nghị Bộ Chính trị kỷ luật.

Sau khi xem xét, Bộ Chính trị đã đề nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng kỷ luật theo quy định của Đảng.

Theo Khoản 9 Điều 2 Quy định 69-QĐ/TW năm 2022 quy định về nguyên tắc xử lý kỷ luật Đảng viên, đảng viên sẽ bị khai trừ ra khỏi Đảng khi vi phạm pháp luật đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự.

Do đó, việc ông Hải chỉ bị cách chức mà không bị khai trừ có thể hiểu rằng Đảng đã đánh giá những sai phạm của ông Hải không tới mức xử lý hình sự.

Ngoài ông Hải, có ông Lê Hoàng Quân và ông Nguyễn Thành Phong cũng có sai phạm được xác định có liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC).

Hai ông này đã bị Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo vào ngày 14/5.

Cũng trong thông cáo nói trên của Văn phòng Trung ương Đảng, có hai người khác bị Ban Chấp hành Trung ương Đảng kỷ luật khai trừ khỏi Đảng, là:

Cả hai ông Thái và Dũng đều đã bị khởi tố, tạm giam trước đó.

Hôm 14/5, ông Phạm Thái Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, trợ lý Chủ tịch Quốc hội, cũng đã bị Ban Bí thư khai trừ khỏi Đảng.

Ông Lê Thanh Hải và vụ Thủ Thiêm

Đề cập đến ông Hải, không thể nào không nói tới những sai phạm tại Dự án khu Đô thị mới Thủ Thiêm.

Do những sai phạm liên quan tới dự án này, ông Hải đã từng bị kỷ luật đảng.

Ngày 20/3/2020, ông bị Bộ Chính trị kỷ luật với hình thức “cách chức Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2010-2015" do những vi phạm liên quan tới dự án khu đô thị Thủ Thiêm.

Vụ việc tại Thủ Thiêm đã gây ra nhiều tranh chấp giữa người dân có đất đai bị giải tỏa với chính quyền và các nhà phát triển bất động sản.

Đây là một vụ việc có tác động lớn đến chính trị, ảnh hưởng sâu sắc đến uy tín của chính quyền địa phương và trung ương.

Có thể nói rằng mỗi khi nhắc tới ông Lê Thanh Hải là mọi người lại nhớ lại những sai phạm nghiêm trọng trong quá trình triển khai thực hiện dự án Thủ Thiêm.

Theo báo Tiền phong, ông Hải được xem là người “khởi nguồn” cho những sai phạm nghiêm trọng trong quá trình triển khai thực hiện dự án Thủ Thiêm.

Đặc biệt, theo tờ báo này, ông Hải là người đã chỉ đạo “xé nát” 160 ha đất tại định cư của người dân bị giải tỏa.

Vài ngày sau khi ông Hải bị cách chức, Đài Tiếng nói Việt Nam có bài viết về sự việc này, tác giả là Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Phúc, cựu Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, đã viết rằng qua theo dõi lịch sử Đảng, ông chưa từng thấy có cán bộ cấp cao thuộc diện do Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý nào mà bị xử lý kỷ luật như ông Lê Thanh Hải.

Ông Phúc cho rằng đây là cách Đảng thể hiện rằng cán bộ cấp cao mắc sai phạm dù đã nghỉ hưu cũng sẽ bị xử lý chứ không có chuyện “hạ cánh an toàn”.

Ngược lại, có nhiều người dân cho rằng cách ông Hải bị xử lý chưa đủ nghiêm.

Dấu hiệu về tương lai của ông Hải

Trước khi ông Hải bị kỷ luật khai trừ khỏi Đảng, đã có một loạt những dấu hiệu phần nào báo trước một tương lai gập ghềnh cho ông Hải.

Ngày 20/4, ông Lê Thanh Hải đột ngột bị nhắc tên trong một video của Truyền hình Nhân Dân. Đây là bộ phận báo hình của báo Nhân Dân - cơ quan trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Cần lưu ý, ông Hải bị nhắc tên do những sai phạm đã xảy ra từ nhiều năm trước.

Tới ngày 8/5, Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đề nghị kỷ luật đối với ông Hải do những sai phạm liên quan tới Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Tập Đoàn AIC nói trên.

Chỉ hơn một tuần sau, ông Hải bị Ban Chấp hành Trung ương Đảng cách tất cả các chức vụ trong Đảng.

Quay trở lại xa hơn trong quá khứ, từ lâu đã có nhiều ý kiến cho rằng cần xem xét trách nhiệm của ông Hải trong vụ Vạn Thịnh Phát.

Nhìn lại quá trình công tác của ông Hải, có thể thấy, thời gian ông lãnh đạo TP HCM cũng là thời gian Tập đoàn Vạn Thịnh Phát của bà Trương Mỹ Lan phát triển thăng hoa.

Cuối thập niên 1990, ông Lê Thanh Hải từng làm giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, sau đó làm Phó Chủ tịch UBND TP HCM.

Từ năm 2001 cho đến đầu năm 2016, ông làm Chủ tịch UBND TP HCM rồi Bí thư Thành ủy.

Đây cũng là quãng thời gian mà Vạn Thịnh Phát từ một công ty nhỏ đã liên tục thâu tóm các khu đất vàng, từ đó trở thành một gã khổng lồ trong ngành bất động sản.

Vạn Thịnh Phát sở hữu nhiều khu đất vàng và các tòa nhà nằm ở vị trí đắc địa tại TP HCM như Times Square, Cao ốc Vạn Thịnh Phát, khách sạn Duxton, Union Square.

Vào năm 2021, Thanh tra Chính phủ đã ban hành kết luận về việc chuyển đổi nhà đất công có vị trí đắc địa sang mục đích khác tại TP HCM có nhiều sai phạm.

Khi đó, báo chí Việt Nam đã phản ánh rằng phần lớn số nhà đất này đã về tay Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, đơn cử là tòa nhà Vạn Thịnh Phát ở đường Trần Hưng Đạo, quận 1.

Bình luận trước khi tòa tuyên án vụ Vạn Thịnh Phát, Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp từ viện ISEAS, Singapore đã nhắc việc cựu Bí thư Thành ủy TP HCM Lê Thanh Hải, người nắm quyền suốt hai nhiệm kỳ, từ năm 2005 đến 2015, trùng hợp với sự phát triển thăng hoa của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

"Tôi có nghe rằng ông ấy là người đỡ đầu về mặt chính trị cho bà Lan. Có thể là sự bảo trợ về mặt chính trị này là một yếu tố khác khiến việc đưa vụ án ra ánh sáng bị trì trệ."

Tạp chí Time cho rằng bà Trương Mỹ Lan ắt phải có móc nối hoặc nhận sự bảo trợ từ những nhân vật có quyền lực để có thể xây dựng một đế chế bất động sản ở Việt Nam, nơi mà đất đai đều thuộc quyền sở hữu của nhà nước.

Tạp chí Time sau đó đã nhắc lại việc ông Lê Thanh Hải và ông Lê Hoàng Quân, cựu Chủ tịch UBND TP HCM, đã bị kỷ luật do những cáo buộc vi phạm nghiêm trọng liên quan đến dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Trả lời BBC News Tiếng Việt, ông Carl Thayer, giáo sư danh dự về chính trị tại Đại học New South Wales (Úc), có ý kiến tương đồng:

“Lê Thanh Hải và mạng lưới của ông ta rất có thể đã tạo điều kiện cho bà Lan thăng tiến. Tại sao ông Hải và đồng phạm không bị kỷ luật thêm vì tham gia vào các hoạt động gian lận và tham ô của Lan vẫn là một câu hỏi bỏ ngỏ. Có lẽ đây là trường hợp ‘im lặng là vàng’.”