Giấy phép xuất bản số 110/GP - BTTTT cấp ngày 24.3.2020 © 2003-2024 Bản quyền thuộc về Báo Thanh Niên. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

GIÁ TRỊ XUẤT KHẨU TÔM HÙM 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2023 TĂNG GẤP 30 LẦN SO VỚI CÙNG KỲ NĂM 2022

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết tính đến hết tháng 10/2023, sản lượng thủy sản đã đạt 7,4 triệu tấn, tăng trên 3% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó năm 2022, lĩnh vực thủy sản đã tăng trưởng 4,88%, chiếm tỷ trọng gần 30% trong giá trị sản xuất của toàn ngành nông lâm ngư nghiệp.

Về nuôi biển, Thứ trưởng cho biết đây là lĩnh vực rất nhiều tiềm năng với diện tích mặt biển trên 1 triệu km2. Thủ tướng Chính phủ cũng đã có Quyết định 1664/QĐ-TTg năm 2021, đặt mục tiêu sản lượng nuôi biển đến năm 2025 đạt 800.000 tấn, nhưng chúng ta sẽ sớm về đích ngay trong năm nay.

Ông Trần Công Khôi, Trưởng phòng Giống và Thức ăn thủy sản, Cục Thủy sản, cho biết tính đến hết năm 2022 tổng số cơ sở nuôi biển khoảng 7.447 cơ sở với 248.768 lồng/bè. Hiện diện tích nuôi biển nước ta đạt hơn 256.000ha, sản lượng đạt gần 750.000 tấn; năm 2023, sản lượng có thể đạt gần 800.000 tấn.

Trong đó, diện tích nuôi trồng nhuyễn thể đạt 57.000ha, sản lượng 480.000 tấn/năm. Diện tích nuôi cá biển khoảng 11.000ha và 4 triệu m3 lồng, sản lượng 65.000 tấn/năm. Thể tích lồng nuôi tôm hùm khoảng 4 triệu m3 lồng, sản lượng 2.500 tấn.

Liên quan đến tôm hùm xanh và tôm hùm bông, ông Lê Bá Anh, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, cho biết đây là sản phẩm xuất khẩu chính của nước ta. Trong các thị trường xuất khẩu tôm hùm của Việt Nam, Trung Quốc chiếm 98-99%; các thị trường khác như Thái Lan, Singapore, Hồng Kông, Đài Loan chiếm 1-2%.

"Từ tháng 6 đến nay, do xuất khẩu tôm hùm bông bị ngừng trệ, đã ảnh hưởng rất lớn đến giá trị xuất khẩu tôm hùm. Trong 9 tháng năm 2023, xuất khẩu tôm hùm sang thị trường Trung Quốc giảm hơn 46% so với cùng kỳ 2022".

Ông Lê Bá Anh, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường nông sản.

Riêng thị trường Trung Quốc, hiện Việt Nam có 46 cơ sở bao gói được xuất khẩu tôm hùm vào thị trường này (trong tổng số 57 cơ sở bao gói thủy sản sống được xuất khẩu sang Trung Quốc). Giá trị kim ngạch xuất khẩu tôm hùm 6 tháng đầu năm 2023 của Việt Nam đạt gần 130 triệu USD, gấp 30 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo ông Lê Bá Anh, từ ngày 1/2/2021, Trung Quốc quy định tôm hùm bông nằm trong danh sách nguy cấp nhóm 2. Tháng 5/2023, Trung Quốc sửa Luật về bảo vệ động vật hoang dã, trong đó đối với tôm hùm bông tự nhiên, cấm đánh bắt, sử dụng, giao dịch buôn bán.

“Khi chúng tôi làm việc với Hải Quan Trung Quốc, họ đều khẳng định chỉ không cho phép nhập khẩu tôm hùm bông đánh bắt, chứ không cấm doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu tôm hùm bông nuôi vào thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, tìm hiểu được biết từ khi Trung Quốc thực thi quy định mới, đến thời điểm này, vẫn chưa có nhà nhập khẩu nào ở Trung Quốc được cấp giấy phép nhập khẩu tôm hùm bông. Đó chính là lý do, tôm hùm bông bị gián đoạn xuất khẩu sang Trung Quốc từ tháng 5/2023 đến nay”, ông Lê Bá Anh nêu rõ.

Làm rõ hơn về quy định tôm hùm nuôi của Trung Quốc, ông Lê Bá Anh thông tin: Nếu con giống khai thác từ tự nhiên cũng được coi là tôm khai thác tự nhiên. Nhà nhập khẩu của Trung Quốc muốn nhập khẩu phải xin giấy phép của Cục Ngư nghiệp (Bộ Nông nghiệp Trung Quốc).

Ngoài ra, nước xuất khẩu phải thống kê cơ sở nuôi, sản lượng; đăng ký cơ sở nuôi tôm hùm bông; đăng ký cơ sở bao gói xuất khẩu với Tổng cục Hải quan Trung Quốc để phê duyệt (Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường đã có văn bản số 1388, 1389/CCPT-ATTP ngày 23/11/2023 để hướng dẫn thống kê, đăng ký). Biểu mẫu, thông tin đăng ký sẽ được gửi qua Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc. Sau khi nhận được thông tin, Hải quan Trung Quốc sẽ kiểm tra trực tiếp và trực tuyến trước khi phê duyệt.

NÔNG DÂN, DOANH NGHIỆP TÔM HÙM “KÊU CỨU”

Bổ sung thêm, ông Phan Quang Minh - Phó Cục trưởng Cục Thú y, cho biết  phía Trung Quốc định nghĩa tôm hùm nuôi là phải bắt nguồn từ con giống F2. Tức là đời cháu của tôm hùm đánh bắt. "Hiện tôm hùm giống nuôi tại Việt Nam đang phụ thuộc nhiều vào nguồn tôm nhập khẩu từ Indonesia, Philippines, Myanmar, Srilanka, Singapore", ông Minh thông tin.

"Năm 2022 số lượng con giống tôm hùm nhập về là 81 triệu con; 6 tháng đầu năm 2023, con số này là 59 triệu con. Tuy nhiên, ngành tôm hùm gặp một số khó khăn như một số nước cấm xuất khẩu nên nguồn cung thiếu ổn định; tháng 7/2023, ngành chức năng phát hiện 5 lô tôm giống nhập khẩu từ Malaysia nhiễm bệnh đốm trắng gây ra do virus WSSV".

Ông Phan Quang Minh - Phó Cục trưởng Cục Thú y.

Ông Võ Văn Thái, Giám đốc Hợp tác xã Nuôi trồng thủy sản - Du lịch Vân Phong với 32 xã viên, cho biết hợp tác xã đang tồn đọng gần 100 tấn tôm hùm thịt chưa thể xuất khẩu. Vấn đề này đang gây khó khăn cho xã viên trong thanh toán tiền đầu tư. Qua diễn đàn, ông Thái kiến nghị các đơn vị liên quan làm việc với phía Trung Quốc để có thể sớm hoàn thiện được giấy tờ thủ tục.

“Chưa bao giờ người nuôi tôm hùm bông gặp cảnh bi đát như hiện nay. Rõ ràng tôm hùm chúng tôi nuôi, chứ không phải đánh bắt. Nhưng tại sao bây giờ lại không thể xuất khẩu được? Chúng tôi đang đứng trước nguy cơ thua lỗ, có thể sạt nghiệp”, bà Nguyễn Thị Ánh Quyên – một chủ hộ nuôi tôm hùm tại Nha Trang, Khánh Hòa đăng đàn kêu cứu.

Bà Quyên tha thiết kêu gọi cơ quan chức năng vào cuộc giúp khơi thông thị trường cho tôm hùm bông, đồng thời mong muốn Cục Thú y xem xét về vấn đề kiểm dịch, tránh kéo dài thời gian kiểm dịch khiến tôm hùm, đặc biệt là tôm hùm bông do thay đổi môi trường nước tôm giống sẽ khó phát triển, gây ảnh hưởng tới quá trình nuôi trồng của hộ dân.

Phản hồi ý kiến của bà Quyên, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng thị trường đầu ra của tôm hùm là vấn đề mà các bên cần “xắn tay vào” để gỡ rối.

Theo đó, Thứ trưởng yêu cầu các đơn vị liên quan cần tập trung nghiên cứu và tháo gỡ xuất khẩu tôm hùm, yêu cầu Cục Thú y xem xét thời gian cách ly, cơ sở thực tiễn khoa học liên quan đến vấn đề kiểm dịch, tránh gây ảnh hưởng tới quá trình nuôi trồng của người dân.

Thứ trưởng cũng đề nghị các địa phương tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh kế hoạch thực hiện các nội dung của Đề án Phát triển nuôi biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2025; đặc biệt phải tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy giao mặt biển và cấp quyền sử dụng mặt biển để người dân, danh nghiệp yên tâm đầu tư vào nuôi biển.

"Các cơ quan chức năng ở địa phương cần hướng dẫn, tuyên truyền, vận động người nuôi tôm hùm, nhất là tôm hùm bông thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về thuỷ sản trong nuôi biển; Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu tôm hùm giống trên địa bàn.

Đề nghị các cơ quan chức năng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các địa phương tổ chức rà soát, kiểm tra, chứng nhận đủ điều kiện cơ sở nuôi tôm hùm (đặc biệt các sơ sở xuất khẩu tôm hùm bông), cơ sở ương dưỡng giống tôm hùm.

Sau khi phía Trung Quốc cung cấp đủ thông tin và biểu mẫu đăng ký mới, tổ chức thực hiện rà soát, thẩm tra và hoàn thiện danh sách các cơ sở cơ sở nuôi tôm hùm bông xuất khẩu sang Trung Quốc đáp ứng các quy định của Việt Nam và phù hợp với thị trường Trung Quốc, gửi Cục Thuỷ sản để thực hiện các bước tiếp theo”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.