Ở thời bố mẹ chúng ta, du lịch thường xếp dưới cùng của bảng xếp hạng những thứ cần chi tiêu. Nhưng với người trẻ thời nay, họ thậm chí chấp nhận cắt giảm chi tiêu ăn uống (60%), mua sắm (57%) để được vi vu đến vùng đất mới. (Theo báo cáo về Hành vi du lịch tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương 2024 của Hilton)

Có quan điểm chuyến đi thành công là khi đến được vùng đất có “tính cách” tương thích với mình. Vừng nghĩ sao?

Đến được nơi “tương thích” với mình thì quá tốt, nhưng mình nghĩ đôi khi thành công còn là khi mình thích nghi được với nơi mình đến nữa.

Một người có thể có nhiều tính cách khác nhau. Đến một địa điểm mới có thể làm trỗi dậy một nét tính cách chìm nào đấy mà nếu chỉ quanh quẩn trong môi trường quen thuộc mình sẽ không biết đến.

Khi ở Nhật thì mình hướng nội hơn rất nhiều. Đến khi sang Mỹ thì văn hoá rất khác, mình phải “small talk” nhiều hơn, rồi dần khi làm bài kiểm tra tính cách mình trở thành “người hướng ngoại” lúc nào không hay.

Cũng có lúc mình phát triển được tính cách mới. Như đợt từ Israel sang Oman, mình phải bay qua Turkey. Thời điểm đó có bão tuyết nên có rất nhiều chuyến bay bị huỷ. Chuyến bay của mình thì bị delay 5-6 lần liền, tổng cộng là phải 12 tiếng delay. Ai cũng bực mình và mọi người bắt đầu tranh cãi với hãng hàng không.

Nếu là mình trước đây thì mình cũng sẽ rất cáu, và cùng mọi người phàn nàn. Nhưng hôm ấy mình được nhìn thấy người anh đi cùng xử lý vấn đề rất bình tĩnh. Anh hỏi về giải pháp của trường hợp, thay vì chửi bới cô tiếp viên. Sau lần đó, mình gần như không còn bao giờ bực mình vì delay nữa!

Những chuyến đi luôn để lại một bài học nào đó, quan trọng là mình có nhận ra hay không.

Thứ Năm, ngày 23/03/2023 19:05 PM (GMT+7)

Có điều gì Vừng đã được trải nghiệm mà không thể tìm thấy trên báo đài?

Có nhiều lắm, nhưng mình sẽ lấy ví dụ trong chuyến đi đến Palestine của mình vào năm ngoái.

Mình được tiếp xúc, chung sống và tìm hiểu về cuộc sống của người Palestine theo Thiên Chúa giáo.

Thường trên đài báo sẽ nhắc tới Israel - Palestine với cuộc xung đột chính trị và tôn giáo giữa Hồi giáo với Do Thái giáo. Nhưng ít ai biết về cuộc sống của những người Palestine theo Thiên Chúa giáo (chỉ chiếm khoảng 1% dân số Palestine).

Khi lưu trú tại Palestine, mình học được từ người chủ nhà của mình rằng tuy nhóm người này nhỏ, nhưng sự tồn tại của khoảng 1% dân số này có thể góp phần vào hoà bình hơn giữa hai nước. Ví dụ như bằng việc tận dụng các mối quan hệ liên kết cộng đồng với người theo đạo Thiên Chúa ở các nước phương Tây khác.

Mình được cảm nhận vẻ đẹp của cuộc sống hàng ngày tại Palestine đến từ những thứ bình dị như món ăn tráng miệng Knafeh, vẻ đẹp của phong cảnh từ trên các ngọn đồi của Palestine. Rồi những địa điểm du lịch rất quan trọng với những người theo đạo Thiên chúa như là Hầm Sữa Mẹ, nơi Chúa sinh ra (church of nativity),...

Mình được cảm nhận động lực sống từ những người có hoàn cảnh rất khác với bản thân.

Khi đến Jericho mình đã gặp 3 người thanh niên. Họ đến chào rất thân thiện, còn quay phim và mời mình lên xe đi khám phá thành phố cùng họ. Có người làm lính cứu hoả, có người làm ở nhà hàng, người làm ở khách sạn. Tất cả chỉ mong kiếm đủ tiền nuôi gia đình, cầu mong ngày mai thức dậy những người thân yêu của mình vẫn còn ở đây.

Tụi mình cũng nói chuyện với nhau về quan điểm chính trị, tôn giáo. Có một mẩu hội thoại khiến mình cảm thấy yêu mến vô cùng vì sự tinh tế trong suy nghĩ và quan điểm sống của những người bạn mới.

Ấy là khi anh bạn Ozil chia sẻ góc nhìn đức tin của mình về Jesus (kinh Quran cho rằng Jesus chỉ là một Messiah, tức người truyền tin của Chúa, chứ không phải Chúa, và là một người đáng để tôn trọng chứ không phải để thờ phụng), về haram (những điều cấm kỵ trong Hồi giáo như quan hệ tình dục trước hôn nhân, LGBT+), nhưng luôn cẩn thận nói với mình rằng đây chỉ là niềm tin cá nhân của anh, chứ không hề muốn áp đặt nó lên mình, hay có ý định cải đạo mình.

Trong nhóm có một anh tên là Sufyan không nói được tiếng Anh. Mình không giao tiếp được nhiều với anh, nhưng anh lại là người có câu chuyện khiến mình trăn trở nhiều nhất. Đã 8 năm rồi Sufyan chưa được gặp gia đình vì họ vẫn đang kẹt lại ở Gaza, trong khi Sufyan đã đến được Bờ Tây để làm việc và kiếm tiền gửi về.

Lúc đó mới càng thấy mình có đặc quyền lớn thế nào khi được có ước mơ đi khám phá thế giới.

Có vẻ như Vừng thích đi du lịch kiểu khám phá. Vừng có bao giờ đi du lịch “chữa lành”?

Mình không hay đi du lịch để mình chữa lành lắm. Mình thường chữa lành bằng cách kể lại “trauma” của mình với bạn bè (cười).

Vì với mình nếu đi đến vùng đất khác mà ở đó không có tiềm năng để mình tìm được câu trả lời cho vấn đề của bản thân, thì du lịch lúc đấy chỉ đơn giản là “đi trốn” thôi.

Mình nghĩ thay đổi luôn đến trước từ bên trong. Thế nên dù ở vị trí địa lý nào thì bản thân cũng có thể thay đổi được. Nhưng đúng là đi du lịch có thể thúc đẩy quá trình đó nhanh hơn nếu chọn điểm đến phù hợp.

Vậy thế nào là một chuyến đi “thành công”?

Hmmm, có lẽ là chuyến đi mà mình gặp được những người có hoàn cảnh khác với mình nhưng họ đồng cảm được với mình trong vấn đề mình đang muốn giải quyết. Nhờ đó mà mình vừa không cảm thấy lạc lõng khi tới vùng đất xa lạ, mà vừa có thêm góc nhìn mới.

Như đợt rồi mình có đi Đài Loan để thăm bạn mình. Bạn ấy là sinh viên trường Minerva bên Mỹ. Trường này có một chương trình thú vị là mỗi kỳ học sẽ cho 80 sinh viên cùng khối đến một đất nước khác để sinh sống, học tập. Và đợt này là Đài Loan.

Nhờ gặp các bạn đang cùng trải qua giai đoạn, mà chuyến đi đấy đã tạm giúp mình vượt qua cảm giác lạc lõng giữa hai thế giới đi học và đi làm. (Lúc đấy mình đang “gap year”, không hẳn là sinh viên, mà cũng không là người đi làm toàn thời gian như các anh chị lớn tuổi hơn.)

Ngồi một chỗ vẫn du lịch được nhiều nơi nhờ xem YouTube, vậy lúc này du lịch tận nơi có ý nghĩa thế nào?

Mình thấy chuyện này khá giống với việc mình theo đuổi ước mơ.

Từ bé ước mơ lớn nhất của mình là được đi du học Mỹ. Nhưng đến lúc đạt được điều đó rồi, mình mới thấy thật ra những điều mình được học chẳng liên quan nhiều đến những kỹ năng cần thiết để đi làm, ngay cả khi đã học ở một trường top. Thế nên mình đã thấy khá thất vọng, cuối cùng là dẫn đến quyết định “gap year” 1 năm.

Mình nghĩ là đi du lịch cũng tương tự như vậy. Mình theo trường phái thích tự trải nghiệm thực tế hơn là xem người khác nói gì, có trải nghiệm riêng rồi tự đối chiếu lại với hệ giá trị của bản thân.

Khi còn trẻ, tôi hay mơ về những chuyến đi tới thăm nhiều vùng đất. Ngày còn là sinh viên tôi có một nhóm bạn thân, chúng tôi đến từ nhiều tỉnh trên cả nước, hội ngộ và trở nên thân thiết từ khi nào.

Ngày đó chúng tôi hứa hẹn rất nhiều, rằng khi sau này ra trường đi làm kiếm tiền sẽ cùng nhau thực hiện một chuyến đi Đà Lạt. Thời gian trôi qua, ai trong nhóm tôi cũng có công việc riêng, đứa về quê làm việc, đứa lại vào tận trong Nam, ngoài Bắc. Đến một cuộc gặp đơn giản cũng khó chứ đừng nói tới lời hẹn đi du lịch năm xưa.

Thỉnh thoảng chúng tôi có video call cho nhau, kể cho nhau nghe chuyện công việc, chuyện cuộc đời và vài dự định, nhưng tuyệt nhiên không ai nhắc về dự định cũ vì có lẽ ai cũng ngờ ngợ phải chạm vào câu chuyện về những ước mơ đã bị cơm áo gạo tiền che mất.

Năm 2021 khi mà dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, tôi phải nghỉ việc ở nhà một thời gian dài, khoảng thời gian đó đã cho tôi một góc nhìn đa chiều về cuộc sống, dạy tôi biết trân quý bản thân mình nhiều hơn. Tôi quyết định một mình đi Đà Lạt sau khi dịch kết thúc, chuyến đi 2 ngày 1 đêm ở Dalat Wonder Resort đã cho tôi một kỷ niệm đáng nhớ.

Tôi chọn Dalat Wonder Resort, vì ở đây tôi có thể tận hưởng đầy đủ các dịch vụ như vui chơi giải trí, chăm sóc sức khỏe,… Tới đây tôi như đắm chìm trong một thế giới cổ tích vậy, mọi cảnh đẹp tưởng như chỉ có trên phim ảnh nay lại hiện diện ngay trước mắt tôi.

Tôi như đang ở một Châu Âu thu nhỏ, một bên là hồ nước trong xanh bình lặng, một bên là rừng thông kỳ bí và những đồi cỏ trải dài. Tới đây tôi có cảm giác như đang ở ngôi làng nhỏ của xứ sở Scandinavia vậy, bởi thiết kế khách sạn và biệt thự mang đậm phong cách Châu Âu.

Một cảm giác nhẹ nhàng, sang trọng bao chùm lấy tôi, một ly trà chiều lãng mạn ngắm rừng thông bên hồ bơi vô cực khiến tôi thấy mình như đang lạc trong chốn bồng lai tiên cảnh.

Toàn bộ những muộn phiền tiêu cực trong người được hoàn toàn giải phóng, một năng lượng tích cực đang lan tỏa trong tôi, xa xa một nhóm bạn trẻ đang ăn tiệc nướng sân vườn ở gần resort khiến tôi nhớ lại nhóm bạn của mình, những lời hứa hẹn năm xưa thoáng hiện rồi vụt tắt.

Tôi thích đi quanh hồ Tuyên Lâm, hít thở không khí mát mẻ, không gian rộng lớn với ánh nắng chiếu qua khe lá, tiếng chim hót và nghe âm thanh trong trẻo của thiên nhiên làm tôi quên hết những tất bật thường ngày. Những món ăn ngon như bánh căn, mì quảng ếch, xiên que, ốc,… rất ngon và cách chế biến ở đây cũng rất lạ và ngon.

Chuyến đi được tôi book ngẫu nhiên sau một đêm dài suy nghĩ về cuộc sống, trước chuyến đi tôi cũng chuẩn bị rất nhiều, ngoài tài chính, quần áo,… tôi không quên mang theo thuốc bởi tôi muốn đón Đà Lạt trong một tâm thế vui tươi và năng lượng nhất. Tôi chuẩn bị thuốc chống dị ứng, chống say, thuốc hạ sốt và không quên mang theo một lọ thuốc ho Bổ phế Nam Hà vì thời tiết Đà Lạt thay đổi thất thường rất dễ ho và đau họng.

Chuyến đi Đà Lạt khiến tôi lấp đầy những chông chênh vấp ngã,để lưu giữ những ký ức vẹn tròn của độ tuổi đẹp nhất đời người, góp nhặt những điều tươi đẹp của cuộc sống để va vấp, trưởng thành hơn sau mỗi hành trình. Tuổi trẻ ấy không phải cơn mưa rào thì sẽ là những chuyến đi để thanh xuân sống hết mình và không có nhiều tiếc nuối.

BỔ PHẾ NAM HÀ – THƯƠNG HIỆU QUỐC GIA VIỆT NAM

Đơn vị đồng hành tổ chức cuộc thi “Check in cùng Bổ Phế Nam Hà – Xoa dịu cơn ho, tự do khám phá”

Bổ Phế Nam Hà là thuốc ho thảo dược được tin dùng bởi nhiều thế hệ gia đình, từ lâu đã trở thành người bạn đồng hành quen thuộc chăm sóc sức khỏe hô hấp người Việt.

Công dụng: Điều trị hiệu quả các trường hợp ho do cảm mạo, ho gió, ho khan, ho có đờm, ho do dị ứng thời tiết, ho lâu ngày không khỏi, đau rát họng, khản tiếng, viêm họng, viêm phế quản.

Nhà sản xuất: CÔNG TY CỔ PHẦN DƯỢC PHẨM NAM HÀ

415 Hàn Thuyên, phường Vị Xuyên, TP. Nam Định, tỉnh Nam Định.

Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng.

Số XNQC: 1e/2023/XNQC/YDCT; 3e/2023/XNQC/YDCT; 4e/2023/XNQC/YDCT

Liên hệ tới tổng đài 1800 1155 (miễn cước) hoặc truy cập vào website: https://bophenamha.vn/ nếu cần hỗ trợ thêm thông tin chi tiết về bộ sản phẩm Bổ phế Nam Hà.

Sùng Mí Phìn dẫn khách du lịch trải nghiệm cuộc sống, sinh hoạt của người H’Mông.

Đối với một tỉnh đang phát triển du lịch nhanh và mạnh mẽ, Hà Giang thật sự cần những người tâm huyết như vậy để chung tay gìn giữ, bảo tồn vẻ đẹp nguyên sơ, của mảnh đất nơi địa đầu Tổ quốc với nhiều cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ đẹp như trong tranh.

Ban đầu, tôi chỉ định gặp Phìn chốc lát vì dù sao, homestay Chai To của anh cũng nằm trên cung đường từ thành phố Hà Giang đi thị trấn Đồng Văn và huyện Lũng Cú.

Thế nhưng, sau khi đến thôn Lũng Hòa B, xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn, gặp gỡ những người trong gia đình của Phìn, những vị khách nghỉ tại homestay của anh, kế hoạch của tôi cuối cùng lại biến thành một ngày nghỉ mà tôi chưa bao giờ trải qua trong đời: Sống cùng với những người dân H’Mông trong ngôi nhà của họ.

Tấm bảng chỉ dẫn homestay Chai To nằm cách không xa Bãi đá địa hình mặt trăng, chợ Sà Phìn và Khu di tích nhà họ Vương nhưng điều đáng nói chính là con đường rất dốc dẫn từ Quốc lộ 4C vào thôn Lũng Hòa B.

Phải nhờ Phạm Duy, một bạn trẻ người Thành phố Hồ Chí Minh đang nghỉ tại nhà của Phìn chạy xe xuống, tôi mới có dịp thong thả rảo bộ qua đoạn dốc dựng đứng như sống mũi ngựa Mã Pì Lèng, trước khi dừng chân trước cánh cổng có biển hiệu “Chai To homestay” nằm ngay ở phía dưới con dốc. Ấn tượng ban đầu của tôi là những cây hoa đào hai bên lối nhỏ dẫn vào nhà đang ra hoa rực rỡ trong ánh nắng chiều, dù giờ đã là những ngày đầu tháng Tư.

Sau Duy, tôi là vị khách thứ hai của homestay trong buổi chiều ngày hôm đó, trước lúc chúng tôi gặp hai cặp đôi người Pháp và hai người bạn Việt Nam nữa cũng đến đây. Khi mọi người đã đông đủ, lúc này Phìn mới dẫn chúng tôi vào sâu trong thôn mua gà và lấy nước để chuẩn bị cho bữa tối.

Theo chàng trai sinh năm 1994, việc đi chợ và giúp anh xách nước về nhà sẽ cho tất cả thấy phần nào sinh hoạt thường ngày của người H’Mông, nhất là chuyện lấy nước khi người dân vẫn thường phải gùi những can nước 20 lít từ rất xa về sử dụng…

Trong dự án khởi nghiệp của mình, Phìn muốn xây dựng và phát triển du lịch dựa trên sự độc đáo của mảnh đất Hà Giang quê hương anh, tận dụng và biến những khó khăn nơi đây thành lợi thế. Hà Giang là tỉnh miền núi vùng cao, vùng sâu, vùng xa, và cao nguyên đá thuộc về cụm địa hình hiểm trở, xa cách, có độ cao nhất của tỉnh; thế nhưng, Phìn lại muốn tận dụng cái nghèo, cái khó trên cao nguyên đá để làm giàu.

Ngoài những công việc đó, Phìn còn để chúng tôi tham gia chuẩn bị bữa tối cùng gia đình anh. Hằng ngày, chuyện bếp núc đều do người anh rể của Phìn, vợ của Phìn và bố của anh, ông Sùng Pháy Sử đảm trách.

Chúng tôi đã được xem họ chế biến các món ăn truyền thống của người H’Mông. Chúng tôi nhìn thấy hạt đậu răng ngựa - một loại đậu chỉ có ở cao nguyên đá Đồng Văn và xem cái cách ông Sử tách vỏ lấy hạt ra dễ dàng như thế nào.

Sau hơn một giờ, bữa tối đã chuẩn bị xong và được bày biện lên hai chiếc bàn được kê ở giữa sân. Trời hơi gió, se se lạnh nhưng không khí thật sự sôi động vì sự góp mặt đông vui của mọi người. Ngoài vai trò là cầu nối, người kể những câu chuyện về văn hóa dân tộc H’Mông, người phiên dịch, Phìn cũng rất biết cách khuấy động và kết nối tất cả lại với nhau.

Ở Chai To, ngoài những người bạn Pháp chọn Hà Giang là điểm dừng chân, tôi đã gặp Cường đang dẫn tour cho một cô gái sống tại Thành phố Hồ Chí Minh muốn khám phá cao nguyên đá và Duy, một doanh nhân trẻ sinh năm 1994 đã chọn homestay của Phìn để nghỉ ngơi và đọc sách trong hơn hai tuần, trước khi anh di chuyển lên Mèo Vạc sau đó.

Những con người vui vẻ, dễ gần và bản thân tôi đã bị những câu chuyện kể của Phìn về phong tục, tập quán của người H’Mông cuốn hút. Tất cả mọi người đều cảm thấy thoải mái, dễ chịu trước sự thân thiện, cởi mở từ mỗi thành viên trong gia đình của anh.

Thậm chí, mẹ của Phìn, một người phụ nữ lúc nào cũng tươi cười, còn chủ động kéo ghế ngồi xuống bên bàn ăn, chờ mọi người buông đũa rồi bà mới cất lên một bài hát về tình yêu bằng tiếng H’Mông tặng tất cả.

Và tôi đã nhớ được một vài câu mà Phìn giải nghĩa để ghi ra ở đây như sau: Em trao bàn tay anh cầm/Gan phổi anh như lá cây rung trước gió/Em chìa bàn tay anh nắm/Gan phổi anh như thấm đượm nước mưa xuân…

Tiếng sáo trầm ấm sau đấy của Phìn vang lên giữa núi rừng, thật sâu lắng và nhẹ nhàng để khép lại bữa tối khó quên nhưng tôi khá bất ngờ vì tại Chai To, tôi không nghĩ mình có thể được nghe giai điệu quen thuộc của bài “Xuân về trên bản Mèo” mà dường như chàng trai người H’Mông nào cũng biết rõ.

Như Phìn tâm sự, homestay mới được anh đưa vào hoạt động được gần hai năm, với ý nghĩ biến đây trở thành nơi mọi người có thể gặp gỡ, hiểu rõ hơn về văn hóa, sinh hoạt và con người H’Mông.

Tuy nhiên, để có được suy nghĩ và cái nhìn như vậy là một hành trình dài mà Phìn đã phải vượt qua, với kết quả là dự án “Dịch vụ du lịch bền vững tại Hà Giang” của anh lọt vào vòng chung kết cuộc thi dự án khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn năm 2020.

Trong dự án khởi nghiệp của mình, Phìn muốn xây dựng và phát triển du lịch dựa trên sự độc đáo của mảnh đất Hà Giang quê hương anh, tận dụng và biến những khó khăn nơi đây thành lợi thế. Hà Giang là tỉnh miền núi vùng cao, vùng sâu, vùng xa, và cao nguyên đá thuộc về cụm địa hình hiểm trở, xa cách, có độ cao nhất của tỉnh; thế nhưng, Phìn lại muốn tận dụng cái nghèo, cái khó trên cao nguyên đá để làm giàu.

Dự án của chàng thanh niên người H’Mông sau đó đoạt giải nhì và giúp anh trở nên nổi tiếng.

Homestay của anh được khách du lịch trong nước và nước ngoài biết đến nhiều hơn, vậy nhưng, sau khi tham khảo các mô hình, Phìn cũng nhận ra một điều rằng, mọi người đang làm homestay theo kiểu dịch vụ, trong khi anh muốn xây dựng một nơi ở thật gần gũi, du khách sẽ như được trở về nhà khi tới đây.

Vì vậy, anh quyết định đổi tên từ White H’mong homestay sang Chai To homestay với mong muốn có thể chào đón (trong tiếng H’Mông, Chai To được viết từ Ntsai Tos, nghĩa là chào đón) khách du lịch và giúp đỡ cộng đồng nhiều hơn.

Không chỉ thế, Phìn còn mở lớp dạy tiếng Anh dành cho trẻ em ở thôn vào mỗi dịp hè trong hai năm qua mà người dạy cho chúng ngoài anh còn là những khách du lịch nước ngoài nghỉ tại Chai To.

Những đứa trẻ này trước đó từng gùi hoa, đội hoa đón khách du lịch ở Bãi đá địa hình mặt trăng và Phìn suy nghĩ, muốn có thu nhập, muốn khách du lịch trả tiền cho mình, các em phải học trước. Và anh đã dạy bọn trẻ tiếng Anh, cũng như dạy chúng nhảy, dạy chúng hát.

Lớp học hiện có khoảng 32 em, chủ yếu học từ lớp 6 đến lớp 9, nhưng lớp cũng luôn rộng cửa cho bất cứ người H’Mông nào muốn học tiếng Anh, kể cả người già. Mong muốn của Phìn là khi bọn trẻ nghe nói tiếng Anh tốt, chúng có thể dẫn khách du lịch tham quan thôn, để họ trải nghiệm cuộc sống của người H’Mông hay chính chúng sẽ là người giới thiệu, quảng bá văn hóa, truyền thống của dân tộc mình và của Hà Giang.

Ngoài việc có một cái nhìn xa về phát triển du lịch bền vững, mang tính bảo tồn cho du lịch ở thôn Lũng Hòa B, cái tâm của một người từng đứng trên bục giảng khiến Phìn luôn nghĩ đến bọn trẻ, đến cộng đồng của anh.

Thực tế là những gì anh đã học được trên con đường khởi nghiệp ở lĩnh vực du lịch là điều anh đang muốn trao truyền cho cộng đồng, để người H’Mông không phải rời xa mảnh đất có nhiều cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ và thơ mộng mà chính họ sẽ là người góp sức phát triển du lịch quê hương.

Trước đó bảy năm, Phìn cũng đã rời xa gia đình, xa Hà Giang để bắt đầu sự nghiệp, sau khi anh tốt nghiệp chuyên ngành giáo dục tiểu học tại Trường cao đẳng Hải Dương và đứng lớp khoảng một năm ở Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và trung học cơ sở Sính Lủng, xã Sính Lủng, huyện Đồng Văn.

Việc anh trở thành giáo viên là mong muốn của gia đình anh, nhất là ông Sử, vì họ luôn muốn anh có một công việc ổn định. Thế nhưng, khi nhận thấy du lịch Hà Giang đang phát triển, Phìn tự hỏi sao anh không học tiếng Anh để có thể trở thành một hướng dẫn viên du lịch, có thể giao tiếp với người nước ngoài, giới thiệu với họ về văn hóa của người H’Mông và kể cho họ nghe những câu chuyện về mảnh đất quê hương mình.

Và thế là Phìn quyết định tới Sa Pa (Lào Cai), xin làm việc ở các quán phở, quán cơm để học tiếng Anh bất chấp sự phản đối quyết liệt của bố mẹ. Thời điểm đó là cuối năm 2017, khi trong túi anh chỉ vỏn vẹn có 500.000 đồng.

May mắn cho anh là sau một thời gian ổn định chỗ ăn ở, anh tình cờ biết được công ty du lịch Sapa O’Chau của Tẩn Thị Su để xin cô vào học tiếng Anh, học về làm du lịch. Một năm sau, Phìn trở về Hà Giang, ban đầu chỉ là dẫn tour cho khách du lịch nhưng rồi suy nghĩ rằng, muốn phát triển hơn, anh phải làm homestay.

Đến cuối năm 2019, anh mở một homestay ở thị trấn Đồng Văn cùng một người anh trong họ, trước lúc dịch Covid-19 ập đến và thị trường du lịch đóng băng. Tuy vậy, trong rủi có may, Phìn cũng nhận ra một thực tế sẽ làm thay đổi suy nghĩ của anh về cách làm du lịch sau này, rằng anh nên gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc mình, thay vì chạy theo mô hình hiện đại.

Suy nghĩ đó khiến anh một lần nữa từ bỏ công việc ổn định, từ một phát thanh viên người H’Mông tại Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Giang để quay lại với du lịch, với quyết tâm làm du lịch một lần nữa. Năm 2020, anh mở homestay ở nhà cùng suy nghĩ đơn giản, anh muốn khách du lịch đến với gia đình anh, sống cùng gia đình anh trong mọi sinh hoạt.

Phìn vẫn đang trên hành trình thực hiện ước mơ, mở một Chai To tour, thành lập một công ty du lịch Chai To mà nhân lực chủ yếu là người H’Mông. Có lẽ ở Hà Giang, những người H’Mông như Phìn sẽ là những nhân tố tích cực để góp phần phát triển du lịch địa phương, khi ngoài tình yêu với vùng đất nơi địa đầu Tổ quốc, trong họ còn chứa đựng rất nhiều hiểu biết về văn hóa, về mảnh đất của quê hương mình.